Dòng chảy Sông_Hằng

Thượng lưu

Động băng Gomukh-nơi sông Bhagirathi chảy ra, cấu trúc kế bên trái động băng chính là phần tận cùng của sông băng Gangotri

Sông Hằng được tạo thành ở nơi hợp lưu hai con sông đầu nguồn là sông Bhagirathisông Alaknanda ở dãy núi Himalaya của bang Uttaranchal thuộc Ấn Độ. Nguồn nước thường được mọi người thừa nhận là sông Bhagirathi, một con sông bắt nguồn từ động băng Gomukh tại độ cao 3.892 m ở tận cùng của sông băng Gangotri và là con sông nhỏ hơn trong hai phụ lưu chính ở đầu nguồn của sông Hằng. Sông Alaknanda được tạo thành từ những khối băng tuyết tan ra từ các đỉnh núi như Nanda Devi(7,816 m/25,643 ft),Trisul(7,120 m/23,360 ft) và Kamet (7.756 m/25.446 ft), hai sông nhánh này chảy về phía Nam qua trung độ Haymalaya đến nơi hội tụ của chúng để tạo nên sông Hằng.

Sông Bhagirathi ở GangotriSông Hằng chảy qua thành phố cổ Varanasi

Ngoài sông Bhagirathi và sông Alaknada, còn có bốn sông khác cũng được coi là các nguồn của sông Hằng là sông Dhauliganga, sông Nandakini, sông Pindarsông Mandakini. Năm chỗ hợp lưu của chúng gọi là Prayag Panch, tất cả đều nằm dọc theo sông Alaknanda, theo thứ tự từ thượng nguồn trở xuống là:

  • Sông Alaknanda hợp lưu với sông Dhauliganga ở Vishnuprayag;
  • Sông Alaknanda hợp lưu với sông Nandakini ở Nandprayag;
  • Sông Alaknanda hợp lưu với sông Pindar ở Karnaprayag;
  • Sông Alaknanda hợp lưu với sông Mandakini ở Rudraprayag;
  • Sông Alaknanda hợp lưu với sông Bhagirathi ở Devprayag tạo thành sông Hằng.

Trung lưu

Sau khi chảy hơn 200 km (125 dặm), sông Hằng đến thành phố Haridwar (độ cao 310 m/1.020 ft), nơi nó xẻ dọc Dãy núi Siwalik và bắt đầu chảy theo hướng nhìn chung là Đông-Nam qua Đồng bằng sông Hằng. Tại Haridwar, một con đập đã chuyển hướng nước đến Kênh thượng lưu sông Hằng.

Chảy qua thành phố Haridwar, sông Hằng tiếp tục chảy thêm một khoảng cách gần 800 km (500 dặm) qua các thành phố Kannauj, FarukhabadKanpur một cách ngoằn ngoèo và không thể lưu thông bằng tàu thuyền được do có nhiều chỗ nông và thác ghềnh. Ở đoạn này, sông Hằng hợp lưu với sông Ramganga, một con sông có lưu lượng trung bình khoảng 500 m³/s(18,000 cu ft/s) chảy xuống từ dãy Hymalaya.

Tại thành phố Allahabad, sông Hằng được sông Yamuna, phụ lưu lớn nhất của nó theo chiều dài, bắt nguồn từ sông băng Yamunotri ở Hymalaya nhập vào từ hướng Tây Nam. Hai dòng sông này hợp lưu ở Triveni Sangam- Prayag ở giữa Allahabad, đây cũng là một chỗ hợp lưu linh thiêng đối với Hindu giáo giống như các chỗ hợp lưu ở thượng nguồn sông Hằng. Ở chỗ hợp lưu, sông Yamuna thậm chí còn rộng hơn cả sông Hằng với làn nước màu xanh lục, tỉnh lặn và sâu thẳm, có lưu lượng khoảng 2,950 m3/s (104,000 cu ft/s), chiếm tới khoảng 58.5% tổng lưu lượng sông Hằng ở đây; còn sông Hằng thì nông cạn hơn, chảy xiết hơn và nước trong hơn.

Sông Hằng chảy theo hướng Đông, hợp lưu với sông Tamsa(còn được gọi là sông Ton), một con sông có lưu lượng khoảng 190 m3/s (6,700 cu ft/s) chảy từ dãy núi Kaimur lên phía Bắc. Sau khi hợp lưu với sông Tamsa, sông Hằng tiếp tục hợp lưu với sông Gomti, một con sông có lưu lượng khoảng 234 m3/s (8,300 cu ft/s) chảy từ dãy Hymalaya xuống phía Nam.

Sau đó, sông Hằng hợp lưu với phụ lưu lớn nhất của nó tính theo lưu lượng và lớn thứ hai tính theo độ dài là sông Ghaghara, có lưu lượng khoảng 2,990 m3/s (106,000 cu ft/s), nhập vào sông Hằng ở tả ngạn. Sông Ghaghara được tạo thành ở nơi hợp lưu của hai con sông đầu nguồn là sông Karnali bắt nguồn từ sông băng MapchachungoTây Tạng và sông Sarda bắt nguồn ở Hymalaya. Cả hai con sông này cùng cắt xẻ dãy Hymalaya rồi chảy xuống đồng bằng Ấn-Hằng nhập lại thành sông Ghaghara.

Sau khi hợp lưu với sông Ghaghara, sông Hằng được sông Son, phụ lưu lớn nhất của nó chảy từ phía Nam lên với lưu lượng khoảng 1,000 m3/s (35,000 cu ft/s) nhập vào. Sông Hằng tiếp đó được sông Gandaki, một con sông có lưu lượng khoảng 1,654 m3/s (58,400 cu ft/s), bắt nguồn ở biên giới Tây Tạng (Trung Quốc) – Nepal trên dãy Hymalaya chảy theo xuống phía nam hợp lưu với sông Hằng. Sau khi sông Gandaki hợp lưu với sông Hằng, Sông Kosi, phụ lưu lớn thứ ba của sông Hằng sau sông Yamuna và sông Ghaghara, bắt nguồn từ Tây Tạng, có lưu lượng khoảng 2,166 m3/s (76,500 cu ft/s) hợp lưu với sông Hằng.

Từ thành phố Allahabad đến thành phố Malda của bang West Bengal, sông Hằng lần lượt chảy qua các thành phố khác như Chunar, Mirzapur, Varanasi, Ghazipur, Patna, Bhagalpur, Ballia, Buxar, Simaria, Sultanganj, và Saidpur.

Bản đồ cụ thể lưu vực sông Hằng (màu cam), sông Brahmaputra (màu tím) và sông Meghna (màu xanh)

Hạ lưu

Qua Bhagalpur, sông chạy quanh dãy đồi Rajmahal tại biên giới Bangladesh và bắt đầu chảy theo hướng Nam-Đông Nam. Ở đây, qua hướng Nam là Đồng bằng châu thổ sông Hằng, cách Allahabad khoảng 900 km về phía thượng lưu và cách Vịnh Bengal 450 km về phía hạ lưu. Gần Pakaur, Ấn Độ, sông Hằng chia nhánh. Nhánh Bhagirathi-Hooghly chảy về hướng Nam để tạo nên sông Hoogly, là nhánh cực Tây của đồng bằng châu thổ, cũng như là kênh vận chuyển đường thủy chính của khu vực đồng bằng này. Các tàu biển có thể chạy vào Hoogly từ cửa sông Hằng ở Vịnh Bengal đến thành phố Kolkata nằm cách cửa sông khoảng 130 km phía thượng lưu. Từ giữa thập niên 1970, Ấn Độ đã chuyển hướng nước vào sông Hoogly hay lắng bùn để tăng khả năng vận chuyển đến thành phố Kolkata nhưng điều này đã dẫn đến tranh chấp về quyền sử dụng nước với quốc gia láng giềng Bangladesh. Sông Hoogly được tạo thành từ sự hợp lưu của sông Bhagirathi-Hoogly và sông Jalangi ở thành phố Nabadwip. Con sông cũng có những phụ lưu riêng của nó, trong đó lớn nhất là sông Damodar dài 541 km (336 mi) và có lưu vực rộng 25,820 km² (9,970 sq mi). Nơi sông Hoogly đổ vào vịnh Bengal nằm ở gần đảo Sagar. Từ thành phố Malda đến cửa sông Hoogly, con sông này đã lần lượt chảy qua các thị trấn và thành phố như Murshidabad, Nabadwip, Kolkata and Howrah.

Sông Hooghly trong hình là con sông lớn nằm ở phía cực Tây của đồng bằng châu thổ sông Hằng (bên trái của hình)

Nhánh chính của sông Hằng tiếp tục chảy qua Bangladesh, nơi có đoạn nó được gọi là sông Padma. Sông Hằng đã tạo ra nhiều nhánh sông tạo thành một mạng lưới đường thủy cũng như tạo ra một trong những đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu nhất thế giới. Do sông Hằng mang theo trong mình lượng phù sa lớn nên vùng đồng bằng châu thổ do nó tạo ra tiếp tục mở rộng về phía vịnh. Ở phía nam đồng bằng là quần đảo Sundarbans-một trong ba quần đảo lớn của Ấn Độ, gồm một hệ thống các đảo do phù sa sông Hằng tạo nên và được rừng ngặp mạn bao phủ. Sundarbans đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Quần đảo Sundarbans (có màu xanh đậm) nằm ven bờ biển phía nam của đồng bằng

Sông Padma tiếp tục chảy theo hướng Nam và được nhận thêm nước từ sông Jamuna đổ vào. Đây là phân lưu lớn nhất của sông Brahmaputra, một con sông hùng mạnh bắt nguồn từ sông băng Angsi ở sơn nguyên Tây Tạng, nó đã tạo thành nên hẻm núi lớn nhất thế giới- hẻm núi Yarlung-Tsangpo trên sơn nguyên này rồi cắt xẻ dãy Hymalaya trước khi chảy xuống đồng bằng Ấn-Hằng. Sông Jamuna là một con sông lớn, rộng khoảng 8–13 km (5–8 miles) từ bờ này sang bờ kia vào mùa mưa lũ và khoảng 3.2–4.8 km (2–3 miles) vào mùa khô, độ sâu trung bình của sông là khoảng 38 m, lưu lượng của nó thậm chí còn lớn hớn cả sông Padma tại chỗ hợp lưu, vào khoảng 19,300 m3/s (681,600 cu ft/s). Sau khi hợp lưu với sông Jamuna, sông Padma đã mở rộng ra rất nhiều, sâu khoảng vài trăm mét, lưu lượng trung bình lên đến 35,000 m³/s (1,200,000 cu ft/s).

Sau khi hợp lưu với sông Jamuna, sông Padma tiếp tục hợp lưu từ sông Meghna. Giống như sông Padma, sông Meghna cũng được nhận thêm nước từ sông Brahmaputra thông qua các phân lưu khác của nó như sông Brahmaputra cũ, sông Sitaiakhya và sông Dhaleshwari. Ngoài các phân lưu của sông Brahmaputra trên, sông Meghna còn có những phụ lưu khác, tiêu biểu là sông Gumti, sông Feni,... Sau khi hợp lưu, sông Padma được đổi tên thành sông hạ Meghna. Do nhận được nước từ cả ba hệ thống sông lớn là hệ thống sông Hằng, hệ thống sông Brahmaputra-Yarlung Tsangpo, hệ thống sông sông Meghna-Surma-Barak nên sông hạ Meghna là con sông lớn nhất đổ vào vịnh Bengal, nó rộng 30 km và có lưu lượng rất lớn là 42,470 m3/s (1,499,814 cu ft/s), đứng thứ ba thế giới sau sông Amazonsông Congo vào mùa cạn và đứng thứ hai thế giới chỉ sau sông Amazon vào mùa lũ. Sông hạ Meghna đổ vào vịnh Bengal qua bốn cửa sông: Tetulia, Shahbazpur, Hatia, and Bamni.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sông_Hằng http://www.britannica.com/EBchecked/topic/285248/I... http://www.cleanganga.com/newsletter/index.php http://www.economist.com/world/asia/displaystory.c... http://factsanddetails.com/world.php?itemid=1343&c... http://books.google.com/books?id=-fvKVDxcJoUC http://books.google.com/books?id=0obUy_W9NREC http://books.google.com/books?id=7WLUWxIcyogC http://books.google.com/books?id=B0j0hRgWsg8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=J57C4d8Bv6UC http://books.google.com/books?id=MALacgnsroMC